Trẻ sơ sinh khóc đêm và cách khắc phục

Trẻ sơ sinh khóc đêm không những làm các bà mẹ đau đầu và mệt mỏi mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Có rất nhiều vấn đề xung quanh tiếng khóc của trẻ mà mẹ cần hiểu rõ để tìm cách khắc phục. Mẹ cũng có thể sử dụng các mẹo hay sau để có thể ngon giấc cùng con trong những năm tháng đầu đời.
Vì sao trẻ sơ sinh khóc đêm?
Dù trẻ sơ sinh khóc đêm là vấn đề thường gặp nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý. Các bà mẹ thông thái cần biết khi nào trẻ khóc là bình thường, khi nào là bất thường để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho bé yêu nhà mình.
-
Khi nào trẻ sơ sinh khóc đêm là bình thường?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc trẻ sơ sinh khóc đêm từ lúc lọt lòng đến khi được 8 tuần tuổi được xem là bình thường. Ở giai đoạn này, do chưa quen với môi trường bên ngoài nên trẻ cần thời gian để thích ứng. Không êm ấm như trong bụng mẹ, môi trường bên ngoài với nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng…khác lạ có thể làm cho trẻ thấy khó chịu và khóc chỉ là phản ứng bình thường của trẻ với sự thay đổi này.
Ở một số trẻ, thời gian khóc có thể lên đến 3 giờ đồng hồ, vào một thời điểm cố định trong ngày và kéo dài nhiều ngày liền. Trẻ khóc rất to, mặt đỏ và nhăn nhó, tay chân co lên và khóc liên tục. Đây là hiện tượng khóc dạ đề, xuất hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê thì cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ xuất hiện hiện tượng này. Theo các nhà khoa học, đây cũng là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ.
Nếu trẻ sơ sinh khóc đêm mà vẫn ăn ngoan, ngủ ngoan những lúc khác, không sốt và tăng cân đều đặn thì các mẹ không cần lo lắng nhé. Thông thường, tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian cho đến 4 tháng tuổi. Khi các bé đã thích nghi được với môi trường và hình thành những thói quen mới, trẻ sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn.
-
Khi nào trẻ sơ sinh khóc đêm là bất thường?
Trẻ sơ sinh khóc được cho là bất thường khi thường xuyên giật mình, khóc thét, hoảng sợ, ngủ ngáy, khóc kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày… Tuy chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nếu trẻ thường xuyên thức dậy giữa đêm, giật mình, khóc thét lên… bố mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, bởi đây có thể là biểu của những bất thường trong cấu trúc và chức năng của não bộ.
Nếu trẻ khóc hơn 3 giờ mỗi ngày và kéo dài hơn 3 tuần, có thể là do trẻ dị ứng với các loại protein có trong sữa. Nếu các mẹ cho trẻ uống sữa công thức hay sữa bò, phải ngưng ngay và đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Nếu những cơn khóc kéo dài 1 đến 2 giờ không rõ nguyên nhân, khi khóc 2 chân trẻ gập vào bụng, có thể do trẻ bị đau bụng sinh lý. Tuy cũng là hiện tượng bình thường ở trẻ nhưng cha mẹ cần chú ý theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám khi cần thiết.
Một nguyên nhân phổ biến nữa khiến trẻ sơ sinh khóc đêm là bệnh còi xương. Trẻ bị còi xương thường có những biểu hiện như mệt mỏi, lừ đừ, chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn… và thường xuyên quấy khóc trong thời gian dài. Lời khuyên của các bác sĩ là mẹ nên cho trẻ ra tắm nắng thường xuyên để hấp thụ vitamin D, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, giữ phòng con luôn thoáng mát và đủ ánh sáng.
Nếu trẻ khóc dữ dội kèm theo các biểu hiện như sốt, nôn ói, ưỡn ngực, tiêu chảy… các mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh khóc đêm
-
Bế trẻ
Trong mọi trường hợp, khi trẻ khóc, mẹ hãy âu yếm, dỗ dành trẻ nhiều nhất có thể. Mẹ hãy thử bế trẻ lên, lắc lư nhẹ, đi dạo một vòng hay hát ru… Trẻ sơ sinh rất thích được bế, nhất là những lúc cảm thấy khó chịu trong người. Một cái ôm của mẹ cũng có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn.
Dù nguyên nhân là gì thì khi được bế và âu yếm, trẻ sẽ bình tĩnh dần và hết khóc nhanh hơn. Hãy thử ngay mẹ nhé!
-
Tắm cho trẻ trước khi ngủ
Trẻ sơ sinh cần được tắm thường xuyên từ khi lọt lòng để loại bỏ hết vi khuẩn và các chất bẩn có thể gây hại. Tắm thường xuyên còn giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, cơ thể được tuần hoàn, sức đề kháng được nâng cao… Vậy nên trước khi đi ngủ, mẹ hãy tắm sạch sẽ cho bé bằng nước ấm, có thể thêm một chút tinh dầu tràm để bé có thể ngủ ngon và ít quấy khóc hơn nhé.
-
Massage cho trẻ
Theo kinh nghiệm của rất nhiều mẹ, trẻ thường xuyên được massage sẽ ăn ngon, ngủ ngon và ít quấy khóc hơn. Massage giúp giảm căng thẳng, giảm đau, thở đều nhịp và tăng cảm giác hạnh phúc ở trẻ. Massage còn giúp máu lưu thông nhanh, tăng cường thể chất và tinh thần bé yêu, giúp gắn kết tình cảm mẹ con. Mẹ hãy thử bắt tay massage cho bé yêu ngay nhé.
-
Cho trẻ bú
Trẻ sơ sinh khóc đêm có nhiều khả năng là do đói. Vậy nên mẹ hãy đảm bảo bé được ăn đủ trước khi ngủ. Nếu không, hãy cho bé bú thêm. Hầu hết trẻ thích bú mẹ khi ngủ vì trong sữa mẹ có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng chất giúp cho giấc ngủ ngon hơn, hành động mút khi bú mẹ cũng tạo cảm giác an toàn và hài lòng ở trẻ.
-
Điều chỉnh nhiệt độ phòng
Trong nhiều trường hợp, trẻ sơ sinh khóc đêm là do quá lạnh hoặc quá nóng. Vì khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của bé còn yếu nên đôi khi trẻ cảm nhận nhiệt độ môi trường không giống chúng ta. Hãy đảm bảo nhiệt độ phòng luôn phù hợp với bé mẹ nhé.
Mẹ cũng cần lưu ý, nếu mở điều hoà khi trời quá nóng, hãy nhớ giữ ấm cho bé đúng cách. Mẹ có thể kiểm tra bằng cách sờ tay vào lưng con để coi xem có lạnh hoặc chảy mồ hôi hay không để điều chỉnh cho phù hợp.
-
Điều chỉnh âm thanh và ánh sáng phù hợp
Vì chưa hoàn toàn thích nghi với môi trường bên ngoài nên đôi khi trẻ dễ bị kích thích với âm thanh và ánh sáng trong phòng, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc đêm. Mẹ hãy cố gắng điều chỉnh để con cảm thấy dễ chịu. Một số bé sẽ thích tiếng quạt máy, tiếng nhạc du dương, tiếng hát ru… hơn là không gian yên tĩnh đấy mẹ ạ. Mẹ cũng có thể để đèn ngủ với ánh sáng dịu nhẹ để bé cảm thấy dễ chịu nhé.
-
Thay tả cho bé
Đôi khi trẻ sơ sinh khóc đêm vì tả bẩn hoặc đơn giản là nó làm bé khó chịu. Mẹ hãy kiểm tra thường xuyên và đảm bảo tả luôn khô ráo, sạch sẽ nhé.
Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ khắc phục được tình trạng trẻ sơ sinh khóc đêm. Chúc các mẹ và bé yêu có những đêm ngon giấc!
Có thể mẹ muốn xem thêm:
Mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z